Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Tin xuyên tạc lấn át tin tức thật trên Facebook trước bầu cử Mỹ

Thông tin từ các nguồn giả mạo đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội hơn các bài báo từ những hãng tin chính thống trong nhiều tuần trước ngày bầu cử tại Mỹ.

Trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc bầu cử, 20 câu chuyện liên quan tới các ứng viên từ những trang web và blog mạo danh đã đạt được tới 8,7 triệu lượt chia sẻ (share), phản ứng (reaction) và bình luận (comment) trên Facebook. Trong khi đó, 20 bài viết về bầu cử nổi bật nhất trên 19 trang báo lớn chỉ đạt 7,3 triệu lượt tương tác.

tin-xuyen-tac-lan-at-tin-tuc-that-tren-facebook-truoc-bau-cu-my
Tin giả mạo (màu đỏ) lan truyền mạnh hơn trên Facebook so với tin chính thống về bầu cử.

Thống kê trên trái ngược với tuyên bố trước đó của Mark Zuckerberg, CEO Facebook. Vài ngày sau cuộc bầu cử, công luận rộ lên những ý kiến cho rằng Facebook, Google... đã tiếp tay phát tán tin tức giả có lợi cho các ứng cử viên. Zuckerberg cho hay ông không nghĩ tin tức giả mạo có thể tác động đến kết quả bầu cử vì chúng chỉ "chiếm một lượng nội dung rất nhỏ" trên mạng xã hội.

"Hơn 99% nội dung mọi người đọc trên Facebook là thật. Chỉ một phần nhỏ là giả mạo và không đủ để tác động tới người ủng hộ hay tình hình chính trị. Tóm lại, việc tin tức giả mạo làm thay đổi kết quả bầu cử là hoàn toàn không xảy ra, dù nhìn nhận theo hướng nào đi chăng nữa", Zuckerberg viết.

Tuy nhiên, phân tích của Buzzfeed cho thấy 17 trong số 20 bài viết giả mạo về bầu cử được chia sẻ nhiều nhất có nội dung "ủng hộ Donald Trump và chống lại Hillary Clinton". 

Tin tức giúp các cử tri hiểu rõ hơn về ứng viên cũng như những gì đang diễn ra xung quanh họ. Nhưng trong cuộc bầu cử năm nay, tin tức trên Internet được lan truyền một cách khó kiểm soát và một số trường hợp còn bị dàn dựng, bóp méo. Nếu tin vào các thông tin bị xuyên tạc, người sử dụng Facebook sẽ tưởng rằng Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump, đặc vụ FBI bị ám sát khi điều tra các email của bà Hillary Clinton, hay Bill Clinton đã hiếp dâm một bé gái 13 tuổi cùng rất nhiều bài viết sai sự thật hoặc chưa được kiểm chứng khác.

Những trang giả mạo này, được thiết kế trông giống như những trang tin chính thống, có thể tiếp cận lượng độc giả lớn so với Denver Post, New York Times hay Fox News... nhờ sức mạnh lan truyền của mạng xã hội.

tin-xuyen-tac-lan-at-tin-tuc-that-tren-facebook-truoc-bau-cu-my-1
Đa số tin giả mạo có nội dung chống lại Hillary Clinton, lấn át các thông tin từ các trang báo lớn. Ảnh: Buzzfeed

Dù Zuckerberg tuyên bố rằng việc thông tin giả mạo trên Facebook có thể chi phối kết quả bầu cử là "ý nghĩ điên rồ", một kỹ sư giấu tên tại Facebook đã nói với Buzzfeed: "Điều điên rồ chính là việc Zuckerberg phủ nhận chuyện này bởi ông ấy và những người trong công ty đều hiểu chuyện gì đang diễn ra khi chứng kiến tin tức giả mạo xuất hiện liên tục trên mạng xã hội mùa tranh cử".

Google cũng đang gặp vấn đề tương tự Facebook, như vào sáng 14/11, khi tra từ khóa "final election numbers" trên trang tìm kiếm, kết quả đầu tiên cho thấy Donald Trump chiến thắng cả về số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri, nhưng thực tế là Hillary Clinton đạt được nhiều phiếu phổ thông hơn.

Đầu tuần này, cả Facebook, Twitter và Google cùng lên tiếng khẳng định sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống lại thông tin giả mạo, sai lệch và mang tính thù hận trên mạng. Trước đó, Facebook cũng triển khai tính năng giúp người dùng chủ động tố cáo khi gặp thông tin giả mạo hau sử dụng công nghệ AI để lọc tin khách quan hơn.

Theo Minh Minh (VnExpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Kỹ sư phần mềm dễ giàu hơn vận động viên thể thao

Các số liệu thu thập được tại Mỹ chỉ ra rằng thu nhập của các vận động viên chưa hẳn đã cao hơn kỹ sư phần mềm, trong khi tỷ lệ thành công l...